Ngày 12/10 vừa qua, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) chính thức khai mạc. Đây là năm thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu này của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), sau năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, trên nền tảng số do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và xây dựng.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Chính phủ tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này."
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam mong muốn ITU tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò điều phối, dẫn dắt các thành viên tăng cường hợp tác về xây dựng thế giới số, bảo đảm an toàn an ninh mạng. Hiện nay, thế giới còn gần 50% dân số chưa được kết nối Internet. Thu hẹp khoảng cách về kết nối số, kỹ năng số, an toàn số đang là thách thức lớn đối với việc phát triển bền vững.
Theo dữ liệu của ITU, hơn 90% dân số thành thị và 70% dân số nông thôn trên toàn cầu đã được phủ sóng 4G, vệ tinh hoặc các công nghệ khác từ năm 2020. Tuy nhiên, chỉ 51% dân số thế giới được sử dụng Internet. Rào cản của việc phổ biến Internet nằm ở khả năng chi trả, năng lực công nghệ số, nhận thức của cộng đồng và sự tồn tại của nội dung bằng ngôn ngữ địa phương. Hơn thế, vấn đề còn ở hạ tầng mạng, giữa các các quốc gia và khu vực lại có sự khác nhau về tốc độ, hiện trạng triển khai Internet.
Công nghệ số đang góp phần thay đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống và công việc. Vì đại dịch Covid-19, nhiều người phải làm việc và học tập tại nhà. Nhu cầu tiếp nhận thông tin, tiếp cận với các chương trình chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kiểm tra, truy vết cũng như chứng nhận tiêm chủng số... của người dân tăng cao. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc kết nối con người và đem lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế.