Chuyển đổi số, làm việc trực tuyến, AI, điện toán đám mây... nở rộ thành xu hướng thời gian gần đây.
Chuyển đổi số
Ngay từ giữa năm 2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định Covid-19 là cú hích trăm năm giúp đẩy nhanh chuyển đổi số. Cuối năm ngoái, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cũng cho rằng: "Đại dịch là dịp thay đổi cách con người làm việc. Một tháng chuyển đổi số trong đại dịch có thể cho hiệu quả bằng cả năm trước đây".
Mua sắm và hội họp trực tuyến
Theo Forbes, từ 2020, thói quen mua sắm trực tuyến đã hình thành trong cộng đồng khi giãn cách xã hội kéo dài. Thống kê cho thấy khi thế giới dần quay lại trạng thái bình thường nhưng hoạt động mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục được nhiều người duy trì. Tương tự, việc họp và học online dần trở thành thói quen mới. Sự phát triển của các phần mềm hội họp trực tuyến và công nghệ 5G dần được phủ sóng khiến hình thức giao tiếp online trở thành một xu hướng mới, ngay cả khi thế giới dần quay về trạng thái giao tiếp vật lý truyền thống.
AI, Big Data, điện toán đám mây
Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, đặc biệt AI đang trở thành một phần cốt lõi của ngành công nghệ. Hiện Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến 2030, nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bảo mật dữ liệu
2021 là năm hoành hành của tin tặc. Sau những vụ tấn công lớn gây tổn thất nặng nề, bảo mật bắt đầu được xem là một xu hướng quan trọng trong năm 2022 mà các lãnh đạo công nghệ cần đặc biệt quan tâm.