Mặt tối của Trí Tuệ Nhân Tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh gây áp lực lớn lên trái đất của chúng ta. Tác động tiêu cực khổng lồ này được thể hiện phần nào qua các con số:
1. Sức mạnh gấp 10 lần Google
Mỗi yêu cầu gửi đến chatbot của OpenAI, có khả năng tạo ra mọi loại phản hồi cho các truy vấn bằng ngôn ngữ tự nhiên, đều tiêu thụ 2,9 watt giờ điện.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), con số này cao gấp 10 lần so với khi tìm kiếm trên Google.
OpenAI tuyên bố rằng, ChatGPT hiện có 300 triệu người dùng hàng tuần thực hiện tổng cộng một tỉ yêu cầu mỗi ngày. Ngoài ChatGPT, công ty tiên phong đưa AI tạo sinh đến công chúng vào năm 2022, còn có hàng nghìn chatbot khác đang hoạt động.
2. Lượng điện tiêu thụ lớn hơn Pháp và Đức
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không hoạt động nếu không có các trung tâm dữ liệu lưu trữ lượng thông tin và sức mạnh tính toán khổng lồ.
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Deloitte, vào năm 2023, các trung tâm dữ liệu chiếm gần 1,4% lượng điện tiêu thụ toàn cầu.
Nhưng với các khoản đầu tư lớn được lên kế hoạch vào AI tạo sinh, lượng điện tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ đạt 3% vào năm 2030.
Công ty kiểm toán Deloitte cho biết, con số này tương đương với mức tiêu thụ hàng năm của Pháp và Đức cộng lại.
IEA dự báo mức tiêu thụ điện năng của trung tâm dữ liệu sẽ tăng hơn 75% vào năm 2026 so với mức năm 2022.
3. Sinh ra nhiều CO2
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Massachusetts Amherst ước tính vào năm 2019, việc đào tạo một trong những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hỗ trợ chatbot sẽ tạo ra khoảng 300 tấn khí CO2.
Con số này tương đương với sản lượng của 125 chuyến bay khứ hồi giữa New York và Bắc Kinh.
4. Tốn nhiều nước
Ngoài năng lượng, AI còn tiêu thụ nước, đặc biệt là để làm mát phần cứng máy tính.
Theo ước tính thận trọng của các nhà nghiên cứu tại Đại học California Riverside và Đại học Texas tại Arlington, GPT-3 cần khoảng nửa lít nước để tạo ra từ 10 đến 50 phản hồi.
Nhìn chung, nhu cầu về AI tăng lên, dự kiến sẽ làm tiêu tốn từ 4,2 đến 6,6 tỉ m3 nước hàng năm. Theo nghiên cứu năm 2023, con số này gấp 4-6 lần lượng nước tiêu thụ hàng năm của Đan Mạch.
5. Đống rác thải điện tử
Theo một nghiên cứu từ tạp chí Nature Computational Science, khoảng 2.600 tấn rác thải điện tử như card đồ họa, máy chủ và chip nhớ đã phát sinh từ các ứng dụng AI tạo ra vào năm 2023.
Các nhà nghiên cứu ước tính con số đó sẽ lên tới 2,5 triệu tấn vào năm 2030, tương đương với khoảng 13,3 tỉ chiếc điện thoại thông minh bị loại bỏ.
Và giống như nhiều phần cứng máy tính khác, thiết bị AI bao gồm chip cũng cần kim loại hiếm để sản xuất. Việc khai thác những kim loại như vậy, thường ở châu Phi, có thể liên quan đến các quá trình gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Bên cạnh lợi ích mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại thì vấn đề ô nhiễm môi trường từ đó cũng không hề nhỏ, sự phát triển công nghệ cần gắn liền chặt chẽ với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến trái đất.
Nguồn tham khảo: Báo Lao động và Nastis