Thiết bị báo động
01:44 20/04/16

Các chức năng cơ bản của của hệ thống báo động PowerMax Express

Hệ thống báo động cho PowerMax Express của hãng Visonic (Israel) là một hệ thống báo động đa năng, có khả năng phát tín hiệu báo động khi xảy ra các hiện tượng trộm cắp, cháy, các hành động phá hoại,…. và có độ tin cậy cao.

Hình vẽ dưới đây mô tả các chức năng cơ bản của hệ thống báo động PowerMax Express:

  • Hệ thống hỗ trợ các cảm biến đầu vào (không dây và có dây) với 28 kênh không dây và 1 kênh có dây.
  • Có thể sử dụng nhiều loại đầu cảm biến: công tắc từ, công tắc cơ khí, cảm biến nhiệt, báo khói, cảm biến chấn rung, đầu dò hồng ngoại,…
  • Tích hợp sẵn module cho SIM điện thoại GSM.
  • Các hình thức báo động: hệ thống có khả năng đưa ra cảnh báo báo động bằng các hình thức dưới đây:
    • Báo động bằng âm thanh qua còi ngoài. Có thể sử dụng còi không dây hoặc còi có dây.
    • Báo động bằng đèn nháy.
    • Tự động gửi thông báo báo động bằng cách quay tới 4 số điện thoại đã được lập trình sẵn theo thứ tự ưu tiên, qua đường điện thoại di động (GSM) hoặc điện thoại cố định (PSTN).
    • Tự động gửi tin nhắn (SMS) tới 4 số điện thoại đã được lập trình sẵn theo thứ tự ưu tiên, qua đường điện thoại di động (GSM).

Trong hai hình thức gửi thông báo báo động thì hình thức gửi tin nhắn được thực hiện trước hình thức thực hiện cuộc gọi.

Chức năng gửi gửi thông báo báo động và SMS qua đường điện thoại di động là một chức năng mới giúp nâng cao khả năng gửi cảnh báo của hệ thống báo động, bởi thông thường kẻ đột nhập trước tiên sẽ tìm cách cắt đứt hệ thống cáp liên lạc.

  • Sử dụng điện áp đầu vào 220VAC/đầu ra 9VAC. Có kèm theo pin sạc, hoạt động được 12h sau khi mất nguồn điện.
  • Có khả năng gửi thông báo đến các số điện thoại đã đăng ký về tình trạng hệ thống (status) như mất nguồn AC, pin yếu, hở vùng báo động, …
  • Việc điều khiển hệ thống, bật/tắt báo động, ….được thực hiện thông qua 3 phương thức chính:
    • Gửi tin nhắn SMS: gửi tin nhắn theo cú pháp cho trước vào số thuê bao di động được đăng ký cho hệ thống báo động.
    • Ví dụ:
    • Cú pháp SMS bật báo động: “AWAY 1111” (1111 là password ban đầu của hệ thống, người sử dụng có thể thay đổi password này, tối đa có thể có 8 ký tự cho password).
    • Cú pháp SMS tắt báo động: “DA 1111”
    • Gọi điện thoại tới số thuê bao di động hoặc thuê bao cố định được đăng ký cho hệ thống báo động sau đó ấn password.
    • Sử dụng bàn phím của bộ điều khiển trung tâm.
    • Sử dụng điều khiển từ xa (một phụ kiện của hệ thống báo động).

Ứng dụng hệ thống báo động cho việc bảo vệ các máy ATM

Để tăng cường an toàn cho các máy ATM, chống lại các hành động phá hoại thì sử dụng bộ báo động PowerMax Express sẽ là một giải pháp phù hợp.

Khi phát hiện có sự thâm nhập trái phép (mở cửa ngoài, cửa trên hoặc cửa két sắt, …), các hành động phá hoại bằng các công cụ nhiệt hay các chấn rung mạnh, hệ thống báo động sẽ phải thực hiện các chức năng dưới đây:

a. Cảnh báo bằng âm thanh (còi ú) hoặc đèn nháy.

b. Gửi thông báo báo động bằng SMS và/hoặc bằng thực hiện cuộc gọi tới các số điện thoại quy định trước (số điện thoại của bảo vệ, của cán bộ trực ca, cảnh sát 113,….).

Để thực hiện được các chức năng đó, cần phải sử dụng các phụ kiện và các  loại cảm biến dưới đây:

a. Còi báo động hoặc đèn nháy: các loa báo động thường có âm lượng khoảng 100db.

Còi báo động nên được đặt trong khoang kỹ thuật của máy ATM (Customer panel - 1). Tuy việc đặt trong khoang kỹ thuật có thể làm giảm khả năng phát âm thanh báo động đi xa, nhưng đảm bảo là kẻ thâm nhập sẽ không thể loại bỏ được còi báo động trước khi còi kêu.

Vị trí an toàn nhất để đặt còi báo động là bên trong két sắt. Nhưng vị trí này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát âm thanh báo động đi xa.

Có thể sử dụng còi báo động loại không dây và dấu còi ở vị trí kín đáo nào đó bên ngoài ATM (ví dụ trên trần của cabin). Điều này giúp cho âm thanh của còi phát đi được xa nhất. Tuy nhiên, nếu kẻ trộm quan sát và biết được vị trí lắp còi cụ thể, chúng sẽ tìm cách vô hiệu hoá còi trước (chỉ cần khoảng 5phút để làm việc đó, nếu còi được đặt đâu đó trên trần cabin).

Một trở ngại lớn nữa trong khả năng phát tán âm thanh báo động đi xa đó là, do nhiều ATM được lắp trong các cabin. Khi cửa cabin đóng kín thì âm thanh báo động cũng không thể phát tán đi xa được.

Tuy nhiên, việc sử dụng đèn nháy như một công cụ để phát tín hiệu báo động có thể sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa, do đèn nháy phải được bố trí ở vị trí dễ nhìn thấy và các kẻ đột nhập sẽ tìm cách vô hiệu hoá đèn nháy ngay từ đầu.

b. Cảm biến công tắc từ hoặc công tắc cơ khí để phát hiện ra việc đóng/mở cửa không được phép.

Các cảm biến loại này có thể được lắp ở các vị trí sau:

  • Cửa khoang kỹ thuật của máy ATM (customer panel);
  • Cửa ngoài của két sắt (front door);
  • Cửa két sắt;

c. Cảm biến nhiệt: để phát hiện ra các hành động phá hoại bằng các công cụ như đèn khò, máy hàn, máy cắt dùng khí oxy, ….

Các cảm biến nhiệt sẽ được lắp ở những vị trí mà nếu muốn phá két kẻ trộm bắt buộc phải tác động đến, đó là:

  • Cửa két sắt;
  • Thành két sắt, nơi các chốt của khoá két bám vào;
  • Thành két sắt, nơi có các bản lề;

Các cảm biến nhiệt độ phải được điều chỉnh làm sao cho phù hợp với các điều kiện nhiệt độ của vị trí lắp đặt máy ATM mà vẫn đảm bảo phát hiện ra sự tăng nhiệt độ bất thường.

Nếu đặt nhiệt độ ngưỡng thấp quá, có thể tạo ra cảnh báo báo động (báo động giả), mặc dù nhiệt độ của vỏ két sắt tăng lên là do yếu tố nhiệt độ của môi trường (vỏ của các máy ATM lắp đặt ở trong các cabin đặt ở ngoài trời, dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời vào mùa hè, có thể có nhiệt độ lên tới trên 48oC).

Nếu đặt ngưỡng nhiệt độ cao quá, sẽ có thể làm cho cảnh báo báo động được tạo ra và gửi đi muộn, phản ứng sẽ bị chậm.

d. Cảm biến chấn rung: để phát hiện ra các hành động phá hoại bằng các công cụ cơ khí như cưa, búa,…

Các cảm biến chấn rung cũng được bố trí tại các vị trí như cảm biến nhiệt.

Độ nhạy của các cảm biến chấn rung cũng đòi hỏi phải được căn chỉnh cho phù hợp với môi trường hoạt động của các ATM để tránh việc đưa ra các cảnh báo báo động giả hoặc ngược lại không có cảnh báo báo động nào được đưa ra khi cần thiết.

Bản thân ATM khi hoạt động cũng có tạo ra chấn rung ở một mức độ nhất định, đặc biệt khi bộ trả tiền (dispenser) hoạt động. Môi trường xung quanh máy ATM cũng có thể tạo ra chấn rung ở các mức độ khác nhau, ví dụ có khách hàng có hành động đạp vào máy, tàu hoả hay ô tô chạy qua gần sát nơi lắp đặt máy (đặc biệt là các loại ô tô siêu trường, siêu trọng và trong điều kiện đường giao thông có nhiều chỗ xóc hay ổ gà),…

Yêu cầu hệ thống

  • Để thực hiện được chức năng gửi tin nhắn và gọi điện thoại, yêu cầu phải đăng ký thuê bao điện thoại di động và/hoặc cố định.
  • Có thể sử dụng thêm bộ lưu điện (UPS) 600VA, trong trường hợp máy ATM chưa có UPS, hoặc đã có UPS nhưng công suất chỉ đủ dùng cho riêng máy ATM.

File đính kèm: Data_Sheet_English_C800516

BQT Mitec
Đánh giá: